Chuyên ngành QUẢN LÝ CẢNG VÀ LOGISTICS

Chuyên ngành QUẢN LÝ CẢNG VÀ LOGISTICS

  • Mã ngành xét tuyển: 784010609 (Chương trình chuẩn) – 784010609H (Chương trình chất lượng cao)
  • Tổ hợp môn xét tuyển: A00, A01, D01, D07

1. Giới thiệu chung

Trong quan niệm mới của thế giới về cảng, cảng không chỉ đơn thuần là bến cảng, nơi neo đậu của những con tàu, mà là những trung tâm Logistics khổng lồ trong đó có hệ thống giao thông riêng, kho bãi, nhà xưởng, bãi container, hệ thống thủ tục thuế quan, hải quan,… Cảng biển đóng vai trò là điểm đầu trong mắt xích vận tải đa phương thức là nơi lưu trữ, phân phối hàng hóa quan trọng nhất. Có thể nói cảng biển là một thế mạnh rất lớn tại Việt Nam với số lượng lên tới 49 cảng biển và thế mạnh của Logistics Việt Nam cũng đến từ cảng biển. 

Logistics là một khái niệm tương đối mới nhưng không còn quá xa lạ trong 10 năm trở lại đây, sự phát triển vượt bậc của thương mại quốc tế, thương mại điện tử và cuộc cách mạng 4.0 trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã khiến ngành Logistics nóng hơn bao giờ hết. Vai trò quan trọng của ngành này trong xã hội hiện đại là không thể phủ nhận, đặc biệt là ở nước ta, một quốc gia có vị trí chiến lược trong phát triển hệ thống cảng và Logistics. 

Ngành Quản lý cảng và Logistics tại Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM sẽ trang bị cho các em sinh viên phẩm chất chính trị vững vàng, có ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp; có kiến thức chuyên sâu về quản lý trang thiết bị xếp dỡ cảng, kho hàng, tổ chức khai thác ga cảng, Logistics vận tải, Logistics quốc tế, thương mại quốc tế, luật thương mại,… đảm bảo chất lượng đầu ra phù hợp cho tất cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics và cảng. Ngoài ra sinh viên còn có cơ hội học chương trình chất lượng cao, chương trình liên kết du học với các quốc gia phát triển, học chuyển tiếp bậc thạc sĩ.

2. Năng lực đào tạo

Trường ĐH GTVT TP.HCM là một trong những trường đại học hàng đầu và đầu tiên đào tạo trong lĩnh vực Logistics, cảng biển, vận tải, thương mại. Với thế mạnh đào tạo về đường thủy, đường bộ sẵn có, trường có thế mạnh đặc biệt trong đào tạo các chuyên ngành liên quan tới Logistics, cảng biển và là lựa chọn hàng đầu của các bậc phụ huynh, học sinh. 

Viện Hàng hải, Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM là đơn vị truyền thống có bề dày hơn 30 năm. Đội ngũ giảng viên có học vị tiến sĩ, thạc sĩ, học hàm phó giáo sư; đồng thời là các sĩ quan, thuyền trưởng giàu kinh nghiệm, là các chuyên gia trong lĩnh vực Logistics, cảng biển, thương mại, vận tải. 

Cơ sở vật chất là yếu tố quan trọng đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo về quản lý cảng và Logistics. Phòng học đa năng được trang bị đầy đủ máy móc, hệ thống thiết bị thực hành đầu tư đồng bộ và hiện đại đáp ứng yêu cầu học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên, học viên. Ngoài ra nhằm phát triển toàn diện thể lực và trí lực cho học viên, thư viện, sân thể thao, các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ tài năng cũng được quan tâm nâng cấp và phát triển.

3. Cơ hội việc làm

– Mục tiêu chương trình đạo tạo gắn liền với thực tiễn, đào tạo chuyên sâu về Logistics và quản lý cảng. Với thời lượng 120 tín chỉ, trong 4 năm học, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm xấp xỉ 500 sinh viên, con số sinh viên tốt nghiệp hàng năm đạt tương đương. 

– Với tốc độ phát triển bùng nổ mạnh mẽ nhất từng được ghi nhận từ năm 2019 tới nay của ngành Logistics, cảng biển và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 yêu cầu các doanh nghiệp đang phải chạy đua với vấn đề nhân sự. Có thể thấy Việt Nam đang thiếu hụt rất lớn nguồn lao động chất lượng cao trong ngành Logistics và cảng biển do vậy cơ hội việc làm trong ngành này là rất lớn. 

– Các công việc sau khi tốt nghiệp: Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trong các doanh nghiệp vận tải biển nội địa và quốc tế; doanh nghiệp Logistics quốc tế; các phòng ban Logistics và quản lý chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu; các doanh nghiệp cảng biển; doanh nghiệp vận tải đa phương thức; doanh nghiệp cho thuê tàu biển, doanh nghiệp quản trị đội tàu biển, công ty tài chính tàu biển, hoặc làm việc trong các viện nghiên cứu trong lĩnh vực Logistics, Quản lý chuỗi cung ứng, hàng hải và cảng biển.

– Công việc nhân viên Logistics có những ưu điểm lớn nhất là nhiều cơ hội việc làm, nhanh tăng lương và lương của các vị trí quản lý thì cực kỳ cao. Nhân viên Logistics có thể tăng lương chỉ sau 1 – 2 năm làm việc với mỗi lần tăng khoảng 2 – 3 triệu trở lên. Với mức lương trung bình 10 – 12 triệu/tháng đối với sinh viên mới ra trường được đào tạo đúng chuyên ngành sau 4 – 6 năm làm việc, tùy vào năng lực mà bạn có thể được thăng chức làm quản lý với mức lương đáng mơ ước:

  • Giám sát: Thu nhập của những người đảm nhiệm vai trò giám sát Logistics trung bình từ khoảng từ 20 – 30 triệu/tháng.
  • Quản lý Logistics/Trưởng phòng Logistics: Ở các vai trò này, mức lương bạn nhận được sẽ dao động từ 20 – 100 triệu/tháng, tùy vào quy mô công ty bạn làm việc và hiệu suất công việc, tình hình kinh doanh của bộ phận.
  • Giám đốc Logistics: Đây là vị trí chỉ có ở những công ty và tập đoàn lớn vì ở những nơi nhỏ hơn thì chỉ cần Trưởng phòng để quản lý bộ phận hậu cần. Giám đốc Logistics là người chịu trách nhiệm tổng thể cho cả công ty Logistics và mức lương của bạn sẽ từ 100 – 150 triệu/tháng.
  • Giám đốc chuỗi cung ứng: Là người phụ trách đưa một sản phẩm, loại hàng hóa ra thị trường (có thể là từ quốc tế vào Việt Nam và ngược lại), Giám đốc chuỗi cung ứng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong ngành Logistics và xuất nhập khẩu. So sánh với tất cả các vai trò công việc khác trong ngành này thì lương của Giám đốc chuỗi cung ứng là cao nhất, có thể đạt tới mức gần 200 triệu/tháng.

4. Một số hình ảnh