Huấn luyện thuyền viên liên quan đến Công ước quốc tế về kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn lắng nước dằn tàu năm 2004
Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) nhận thức được rằng việc xả nước dằn và cặn nước dằn từ tàu không được kiểm soát sẽ dẫn đến việc lây lan các loài thủy sinh độc hại và các nguồn gây bệnh, gây ra thương tổn và thiệt hại cho môi trường, sức khỏe con người, tài sản và các tài nguyên. Do đó IMO đã thông qua Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu (BWM 2004) vào ngày 13/2/2004. Công ước BWM 2004 có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có từ 30 quốc gia trở lên, với tổng dung tích đội tàu buôn của họ chiếm không dưới 35% tổng dung tích đội tàu buôn thế giới, ký kết phê chuẩn. Ngày 08/9/2016, Phần Lan là quốc gia thứ 52 đệ trình IMO văn bản phê chuẩn Công ước BWM 2004, tại thời điểm đó 52 quốc gia này có tổng dung tích đội tàu chiếm 35,1441% đội tàu thương mại thế giới. Như vậy, Công ước BWM chính thức có hiệu lực từ ngày 08/9/2017.
Theo quy định của Công ước BWM, vào ngày 08/9/2017, tất cả các tàu (tức là tàu thuộc kiểu loại bất kỳ hoạt động trong môi trường nước, bao gồm tàu ngầm, tàu nổi, công trình nổi, kho chứa nổi) yêu cầu phải:
- Có Kế hoạch quản lý nước dằn được phê chuẩn.
- Duy trì Nhật ký nước dằn.
- Quản lý nước dằn trên tất cả các chuyến hành trình thông qua hoạt động thay đổi nước dằn (hoặc hoạt động xử lý nước dằn bằng cách sử dụng hệ thống nước dằn được phê chuẩn). Tuy nhiên, hoạt động thay đổi nước dằn chỉ được áp dụng cho tàu đóng trước ngày 08/9/2017 và phải chấm dứt hoạt động này sau khi tàu hoàn thành đợt kiểm tra cấp mới đầu tiên Giấy chứng nhận quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do dầu sau ngày 08/9/2017.
Công ước BWM không áp dụng cho:
- Tàu không chở nước dằn.
- Tàu chỉ hoạt động nội địa.
- Tàu chỉ hoạt động trong vùng nước thuộc quyền tàu phán của một quốc gia thành viên và biển quốc tế.
- Tàu chiến, tàu hỗ trợ hải quân và các tàu khác do Nhà nước sở hữu hoặc quản lý.
- Nước dằn cố định được chứa trong két kín của tàu và không được thải ra ngoài.
Hiện nay trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia và Nga phê chuẩn công ước này.
Nhiệm vụ của Sỹ quan và thuyền viên được đề cập trong Quy định B-6 của Công ước.
“Các sỹ quan và Thuyền viên phải làm quen các nhiệm vụ của mình trong việc thực thi Quản lý nước dằn cụ thể cho tàu mà mình đang làm việc và phải làm quen với Kế hoạch quản lý nước dằn của tàu phù hợp với nhiệm vụ của mình”
Theo quy định này, nhiệm vụ cụ thể và công tác huấn luyện và làm quen cho các Sỹ quan, thuyền viên có liên quan phải bao gồm các nội dung sau:
1. Nhiệm vụ của Sỹ quan quản lý nước dằn
Đại phó thường được chỉ định làm Sỹ quan chịu trách nhiệm, và nhiệm vụ bao gồm:
- Đảm bảo việc xử lý hoặc đổi nước dằn tuân theo quy trình trong Kế hoạch quản lý nước dằn được duyệt.
- Chuẩn bị các biểu mẫu khai báo nước dằn trước khi tàu đến cảng.
- Sẵn sàng hỗ trợ Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển (PSC) hoặc sỹ quan kiểm dịch lấy mẫu nước dằn nếu cần.
- Duy trì việc ghi chép Nhật ký xử lý nước dằn.
2. Huấn luyện và làm quen liên quan đến công tác quản lý nước dằn tàu bao gồm:
- Luật, quy định địa phương liên quan đến nước dằn và cặn lắng và quy trình xử lý
- Các hướng dẫn về trách nhiệm của Sỹ quan thuyền viên
- Các hướng dẫn ghi chép nhật ký phù hợp
- Các hướng dẫn lưu ý liên quan:
- Giảm thiểu việc bơm lên tàu các sinh vật thủy sinh độc hại và các tác nhân gây bệnh trong nước dằn và cặn nước dằn;
- Bất cứ khi nào có thể loại bỏ cặn dằn;
- Tránh việc xả dằn không cần thiết.
- Hướng dẫn quản lý nước dằn, bao gồm:
- Đổi nước dằn;
- Không xả hoặc hạn chế xả nước dằn;
- Bơm xả sang các thiết bị thu gom;
- Trường hợp khẩn cấp, các công nghệ mới và việc xử lý nếu có.
3. Sỹ quan, thuyền viên có liên quan đến việc đổi nước dằn trên biển phải được huấn luyện làm quen các nội dung sau:
- Sơ đồ bố trí việc bơm nước dằn, bao gồm vị trí các ống đo, ống thông gió, vị trí các két, các đầu hút và đường ống nối đến các bơm nước dằn của tàu, van thoát mạn…
- Biện pháp đảm bảo đường ống đo không bị tắc, ống thông gió và các van một chiều hoạt động tốt.
- Các khoảng thời gian khác nhau cần cho hoạt động đổi dằn
- Phương pháp đổi dằn khi tàu trên biển nếu áp dụng phải hết sức lưu ý đến vấn đề an toàn, ổn định, sức bền tàu
- Phương pháp ghi chép nhật ký xử lý nước dằn trên tàu, báo cáo, ghi chép việc đo két định kỳ.
Để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của tàu khi thực thi Công ước, ngoài việc các công ty vận tải biển xem xét việc trang bị hệ thống xử lý nước dằn cho các tàu biển, còn cần phải huấn luyện cho các thuyền viên có liên quan.
TP Hồ Chí Minh ngày 31 tháng 10 năm 2016
(Th.S TTr. Phạm Ngọc Hà, Trường ĐH GTVT